Các loại cyanoacrylate được đưa vào thị trường tiêu dùng từ những năm 1970. Từ đó, nó được sử dụng rộng rãi cho những ứng dụng công nghiệp và gia đình. Những ưu điểm nổi bật của chất kết dính cyanoacrylate là tốc độ kết dính nhanh, sử dụng đơn giản, độ bền cao và đặc biệt khi cần kết dính các vật liệu khác nhau nhiều như kim loại, chất dẻo, gốm sứ, gỗ, cao su, mà không cần xử lý nhiệt và đa số trường hợp không cần xử lý bề mặt. Đa số cyanoacrylate có tính bay hơi cao, là chất lỏng không màu, có độ nhớt thay đổi rộng, nên được trữ ở nơi lạnh khô, nhiệt độ từ 5 – 8oC để kéo dài tuổi thọ. Cyanoacrylate tan được trong đa số những dung môi hữu cơ và không tan trong nước.
Hầu hết các loại cao su đều có thể liên kết với cyanoacrylate, ví dụ như polychloroprene, cao su nitrile, cao su thiên nhiên, cao su styrene butadien, cao su butyl. Cao su EPDM, fluoroelastomer (Viton) chỉ có thể liên kết với một vài loại cyanoacrylate riêng biệt. Đối với cao su silicone và cao su nhiệt dẻo (Santoprene), phải sử dụng thêm lớp lót khi kết dính bằng cyanoacrylate.
Các chất kết dính cyanoacrylate thường chứa các chất ổn định có tính axit để tránh quá trình polymer hóa chất kết dính. Khi sử dụng, sản phẩm tiếp xúc với ẩm trên bề mặt chi tiết kết dính, ẩm làm mất tác dụng của chất ổn định và quá trình kết mạng chất kết dính xảy ra. Vận tốc kết mạng của cyanoacrylate, trong trường hợp có khoảng hở trên bề mặt, là khá chậm, có thể trong vài giờ, vì không đủ ẩm. Khi sử dụng chất kết dính cyanoacrylate ở giữa hai bề mặt ăn khớp, gần nhau, tốc độ kết dính cao hơn vì đủ ẩm, ẩm xuất hiện ở cả hai bề mặt. Khoảng cách giữa hai bề mặt lý tưởng nên nhỏ hơn 0.1mm.
Tóm tắt từ tài liệu Handbook of Rubber Bonding, Bryan Crowther, iSmithers Rapra Publishing, 2003, trang 259 – 261
(vtp-vlab-caosuviet)