Ống cao su trục air shaft
|
Fluoroelastomer là copolymer của các monomer khác nhau: vinylidene fluoride (VDF) CH2=CF2, tetrafluoroethylene (TFE) CF2=CF2, ethylene (E) CH2=CH2, hexafluoropropylene (HFP) CF2=CF-CF3, perfluoro(methyl vinyl ether) (PMVE) CF2=CF-O-CF3 và propylene (P) CH2=CH-CH3. Với số lượng monomer nhiều như vậy, ta có thể thay đổi thành phần monomer để đạt được sự kết hợp của các tính chất mong muốn, thông thường là tính kháng lưu chất, tính ổn định ở nhiệt độ cao, tính uốn dẻo ở nhiệt độ thấp, tính dễ gia công và kết mạng. Điều này cũng tương tự như trường hợp thay đổi thành phần acrylonitrile trong cao su nitrile: khi tăng thành phần acrylonitrile, tính kháng dầu tăng lên nhưng tính uốn dẻo ở nhiệt độ thấp giảm xuống và ngược lại khi giảm thành phần acrylonitrile.
Theo trên, ta thấy việc hiểu rõ tính chất và ảnh hưởng của từng monomer là rất quan trọng khi lựa chọn thành phần của fluoroelastomer phù hợp với từng ứng dụng riêng biệt. Trong đó, VDF, TFE và E tạo nên mạch chính không phân nhánh có khả năng kết tinh – rất cứng ở nhiệt độ thấp; vì thế kết hợp thêm HFP, PMVE và P để tạo cho mạch chính có các nhánh bên lớn, cản trở quá trình kết tinh để tạo thành vật liệu đàn hồi vô định hình. VDF và PMVE đóng góp cho vật liệu có nhiệt độ chuyển thủy tinh thấp, hay nói cách khác là tính uốn dẻo tốt ở nhiệt độ thấp. Về khả năng kháng dung môi, ngoài trừ E và P, tất cả fluoromonomer đều có tính kháng tốt với hydrocarbon. VDF là một phân tử phân cực, đặc biệt khi được kết hợp liền kề với perfluorinated monomer. Vì vậy, nó đóng góp cho sự trương nở của vật liệu khi tiếp xúc với các dung môi phân cực có khối lượng phân tử thấp và nhạy với sự tấn công của bazơ. E và P làm cho fluoroelastomer trương nở khi tiếp xúc với hydrocarbon, nhưng tăng tính kháng với các dung môi phân cực và bazơ.
Tham khảo từ tài liệu Fluoroelastomers Handbook: The Definitive User's Guide and Databook, Albert L. Moore, William Andrew, 2006, trang 13 – 15
(vtp-vlab-caosuviet)
Cao su phụ tùng - Cụm thân bơm chịu mài mòn
|