Hỗn
hợp cao su thiên nhiên (NR) và copolymer ethylene-propylene-diene (EPDM) được
phát triển với mục đích kết hợp tính chất vật lý rất tốt của NR với tính kháng
ozone, ánh sáng mặt trời của EPDM. Ứng dụng chủ yếu của hỗn hợp này là sườn lốp
xe, lớp bọc cách điện dây cáp. Ngoài ra, hỗn hợp của NR với EPDM còn đạt hiệu
quả về chi phí do giảm được một lượng đáng kể EPDM đắt tiền sử dụng nhưng vẫn
kháng tốt với ánh sáng, ozone. Dĩ nhiên, thuận lợi về kinh tế là lớn nhất ở các
quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên do việc thay thế một phần cao su tổng hợp
nhập khẩu bằng nguồn cao su thiên nhiên giúp phát triển kinh tế, việc làm ở địa
phương.
Trong
khi tính kháng ozone của hỗn hợp NR/EPDM đạt được tương đối dễ dàng khi pha
EPDM được dùng nhiều hơn và tạo thành pha liên tục, tính chất vật lý chung của
hỗn hợp NR/EPDM nhìn chung kém hơn so với NR hoặc EPDM. Nguyên nhân chính là do
sự chênh lệch giữa khả năng phản ứng hóa học của NR và EPDM. NR không bão hòa
cao nên rất nhạy với sự tấn công bởi ozone và là polymer có khả năng phản ứng tốt
với hệ kết mạng, ngược lại EPDM có mức không bão hòa rất thấp (ít hơn 3% mole) nên
vận tốc kết mạng chậm hơn trong cùng một điều kiện. Điều này dẫn tới mật độ kết
mạng trong hai pha khác biệt đáng kể. Ngoài ra, sự hòa tan của một số chất kết
mạng trong EPDM thấp hơn so với NR làm giảm thêm khuynh hướng hình thành liên kết
mạng trong pha EPDM.
Tham khảo từ tài liệu
Blends of Natural Rubber: Novel Techniques
for Blending with Specialty Polymers, Andrew J. Tinker và
Kevin P. Jones, Springer, 1998, trang 169 – 170
(vtp-vlab-caosuviet)