Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Các dạng lưu huỳnh dùng trong quá trình lưu hóa cao su

Lưu huỳnh là chất lưu hóa được sử dụng rộng rãi nhất trong công nghiệp cao su. Nó hiệu quả cho vật liệu đàn hồi có chứa các nối đôi chưa bão hòa.
Dạng lưu huỳnh thường được sử dụng nhất là lưu huỳnh hình thoi – rhombic sulphur (dạng bền hơn dạng đơn tà – monoclinic sulphur). Loại lưu huỳnh này nóng chảy ở 115 oC và tan giới hạn trong cao su, khoảng 1% khối lượng trong cao su thiên nhiên ở nhiệt độ phòng. Khi nhiệt độ tăng, khả năng hòa tan của lưu huỳnh trong cao su cũng tăng lên. Khuyết điểm chính của dạng lưu huỳnh này là gây nên hiện tượng di trú lưu huỳnh ra bề mặt cao su, xuất hiện như một lớp bột trắng mờ. Hiện tượng này là do dùng dư lưu huỳnh. Trong điều kiện nhiệt độ cán luyện cao, lượng lưu huỳnh này tan hoàn toàn trong cao su. Tuy nhiên, mức tan này vượt quá giới hạn tan của lưu huỳnh trong cao su ở nhiệt độ phòng, gây nên hiện tượng di trú. Hiện tượng này có tác động bất lợi lên tính dính của cao su chưa lưu hóa và tính thẩm mỹ của các sản phẩm cao su.
Hiện tượng di trú lưu huỳnh có thể tránh được bằng cách dùng loại lưu huỳnh không tan – insoluble sulphur. Trong quá trình lưu hóa ở nhiệt độ cao, dạng lưu huỳnh này chuyển hóa thành dạng lưu huỳnh hình thoi, cho phép quá trình lưu hóa xảy ra bình thường. Do đó, nhiệt độ cán luyện cao su không quá cao (không quá 105 oC), để tránh chuyển hóa về dạng lưu huỳnh hình thoi, làm mất đi tính hiệu quả. Sử dụng lưu huỳnh không tan cũng giúp tránh lưu hóa sớm trong tồn trữ. Tuy nhiên, như tên gọi của nó, dạng lưu huỳnh này không tan trong cao su, có khuynh hướng kết tụ, gây khó khăn khi phân tán chúng vào cao su.
Tham khảo từ tài liệu Rubber Technologist’s Handbook, Sadhan K. De và Jim R. White, Smithers Rapra Technology, 2001, trang 167 – 168
(vtp-vlab-caosuviet)