Trong
công nghiệp cao su, nguy cơ cháy nổ rất cao, không chỉ từ các dung môi, mà còn
từ nguyên liệu thô, thành phẩm và chất thải dễ cháy. Các dung môi có thể tạo
nên một thể tích lớn hơi dễ cháy ở nhiệt độ phòng. Khi hơi này được trộn lẫn với
không khí, hỗn hợp có thể bắt cháy và cháy dữ dội. Do đó, các dung môi dễ cháy phải
được trữ trong khu vực riêng biệt, được phân phối và sử dụng ở nơi an toàn, thông
khí tốt và không có tia lửa. Nguyên liệu, sản phẩm cao su và chất thải cũng dễ
cháy. Khi bắt lửa, chúng tạo nên đám khói màu đen dày rất độc. Để đảm bảo an
toàn, giữ những vật liệu này tránh xa các thiết bị gia nhiệt hoặc thiết bị điện,
giữ lối ra vào các khu vực tồn trữ và sản xuất sạch sẽ, không có các vật liệu dễ
bắt cháy.
Không
chỉ gây nguy cơ cháy nổ, dung môi còn ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Thực
tế, nhiều loại dung môi được sử dụng trong ngành công nghiệp cao su như
hydrocarbon no và hydrocarbon thơm (benzene, toluene, xylene) được sử dụng để
làm sạch bề mặt cao su, dụng cụ, máy móc, thiết bị; carbon disulfide được sử dụng
trong quá trình kết mạng nguội; và chlorinated hydrocarbon (như methylene
chloride) trong các chất kết dính không cháy. Tác động chính của dung môi là
gây kích ứng da, mắt, phổi, đau đầu, buồn nôn, choáng váng, giảm khả năng định
hướng và dễ bị té ngã. Công nhân có thể mất tập trung hoặc giảm phản xạ, ảnh hưởng
đến việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn hoặc quan trọng. Tiếp xúc với nồng độ
rất cao, trong các khoảng không giới hạn, không thông khí, có thể gây nên sự mất
nhận thức hoặc chết.
Tham khảo từ tài liệu
Health and Safety in the Rubber Industry, Naesinee
Chaiear, Smithers Rapra Press, 2001, trang 15 – 16
(vtp-vlab-caosuviet)