Có 3 dạng hóa học chính của chất kết dính cyanoacrylate: methyl, ethyl và butyl cyanoacrylate. Trong đó, methyl cyanoacrylate có kích thước phân tử nhỏ nhất nên số lượng phân tử trên một diện tích cho trước là lớn nhất. Do đó, số lượng các chuỗi polymer hình thành nhiều nhất, dẫn đến chất kết dính bền và cứng nhất. Vì vậy, methyl cyanoacrylate thích hợp trong những ứng dụng kết dính kim loại. Tương tự, do phân tử ethyl cyanoacrylate hơi lớn hơn dẫn đến chất kết dính ít cứng hơn nên nó thích hợp để kết dính cao su, chất dẻo. Trong khi đó, phân tử butyl cyanoacrylate lớn hơn rất nhiều dẫn đến vận tốc kết mạng chậm. Nó được sử dụng trong trường hợp kết dính nhiều chi tiết phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian điều chỉnh thẳng hàng sau khi tiết xúc. Ngoài ra, do khối lượng phân tử cao hơn, nó ít bay hơi, ít tạo mùi và khả năng di trú ra bề mặt kết dính thấp.
Đối với các chất nền có tính axit yếu như giấy, nút bần, bìa cứng, lông thú, kim loại dichromate hóa và một vài vải sợi, vì cyanoacylate chứa một chất ổn định có tính axit, chất kết dính sẽ kết mạng rất chậm hoặc có thể không kết mạng. Trong trường hợp này, phải sử dụng một chất hoạt hóa bề mặt để rút ngắn thời gian kết dính.
Ngoài ra, các dạng cyanoacrylate đặc biệt cũng xuất hiện. Dạng ethyl cyanoacrylate được làm dai bằng cách thêm vào các hạt cao su. Nó kháng bóc tách, kháng ẩm rất tốt. Nguyên lý cơ bản của sự làm dai chất kết dính là các hạt cao su sẽ làm giảm tối thiểu sự phát triển vết nứt. Nó phù hợp trong những ứng dụng liên kết cao su với kim loại.
Các loại khác như cyanoacrylate uốn dẻo được dùng trong loa phát thanh, cyanoacrylate kết mạng bằng tia UV.
Tóm tắt từ tài liệu Handbook of Rubber Bonding, Bryan Crowther, iSmithers Rapra Publishing, 2003, trang 263 – 266
(vtp-vlab-caosuviet)