Cao su acrylonitrile butadiene
(NBR), còn được gọi là cao su nitrile hoặc NBR, được phát triển lần đầu tiên bởi
Konrad, Tschunkur và Kleiner ở I.G. Farbenindustrie, Ludwigshafen, sau đó được
phát triển kết hợp bởi Oppau và Hoechst trong năm 1930, và được thương mại vào
năm 1934. Cao su nitrile được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực cao su kỹ thuật,
cao su dùng cho ô tô (ngoại trừ lốp xe) do tính kháng dầu, nhiên liệu và nhiệt
vừa phải đặc trưng của nó.
Từ các loại NBR được polymer
hóa nóng ban đầu, có nhiều cải tiến về quy trình tổng hợp để đa dạng các loại
cao su nitrile và dãy tính chất cho các ứng dụng công nghiệp khác nhau, tiêu
biểu là quá trình polymer hóa nguội. Polymer hóa nhũ tương nguội là một quá
trình chủ yếu cho các loại cao su nitrile có hàm lượng acrylonitrile (ACN) từ
18% - 50% và độ nhớt Mooney từ 25 tới 120. Các loại cao su nitrile hiện nay rất
đa dạng như loại được carboxylate hóa, loại được hydrogenate hóa, loại được kết
mạng trước một phần (precrosslinked), ACN/isoprene/butadiene, loại lỏng, loại
được trộn than đen (carbon black masterbatches), loại được trộn chất hóa dẻo,
hỗn hợp nitrile/pvc (có hoặc không có chất hóa dẻo) và loại cao su nitrile sạch
(loại bỏ các chất thừa gây tắc khuôn). Sự đa dạng này thách thức các nhà hóa cao
su lựa chọn loại cao su phù hợp cho một ứng dụng và quy trình cụ thể. Ví dụ, hàm
lượng ACN thông thường trong NBR là 31% - 35% và trong dãy này có tới 188 loại
cao su từ các nhà sản xuất khác nhau trên khắp thế giới. Hơn thế nữa, các loại
có cùng hàm lượng ACN và độ nhớt Mooney từ các hãng sản xuất khác nhau vẫn có sự
khác biệt, phải chiều chỉnh lại công thức phối trộn khi thay thế lẫn
nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung quá trình gia
công NBR dễ dàng, tính kinh tế, tính linh hoạt cao làm cho NBR là vật liệu đàn
hồi được ưa thích nhất cho các ứng dụng kháng dầu và nhiên liệu, chịu nhiệt vừa
phải.
Tham khảo từ tài liệu Handbook of Specialty Elastomers, Robert C.
Klingender, CRC Press, 2008, trang 39 –
42