Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Tác động của bột cao su lên tính chất cơ lý của cao su lưu hóa


Có nhiều nghiên cứu về tác động của bột cao su lên tính chất cơ học của cao su lưu hóa. Các yếu tố ảnh hưởng tính năng của cao su lưu hóa gồm kích thước, độ cứng và mức lão hóa của bột cao su; hàm lượng chất độn trong bột cao su và tương tác giữa cao su và hạt độn. Một số kết quả được tóm tắt như sau.
Ở mức độn bột cao su thấp (tới khoảng 20 phr), sự giảm sút các tính chất cơ học của cao su lưu hóa là không đáng kể. Khi thêm bột cao su lưu hóa polynorbornene (lên tới 40 phr) vào cao su thiên nhiên (NR) và polybutadiene (BR), tính chất cơ lý của NR (độ bền kéo xé) giảm đáng kể trong khi tính chất của BR thay đổi không nhiều.
Một vài nghiên cứu cũng cho thấy bột cao su EPDM có tác động gia cường cho cao su EPDM, SBR và NR (ở mức độn 50 phr, xấp xỉ các chất độn gia cường khác). Hơn nữa, khi hàm lượng chất độn trong bột cao su EPDM càng tăng thì tính gia cường của bột cao su cải thiện càng nhiều. Qua đó, thấy được vai trò quan trọng của hàm lượng chất độn trong bột cao su khi gia cường.
Ngoài ra, cao su NR rất dễ giảm sút các tính chất cơ lý dưới tác động trượt và nhiệt khi mài mòn, nhưng cao su NR độn bột cao su lưu hóa NR có thể giảm tối thiểu các tác động này, kéo dài tuổi thọ của chi tiết.
Tham khảo từ tài liệu Rubber RecyclingSadhan K. De, Avraam I. Isayev và Klementina KhaitCRC Press, 2005
(vtp-vlab-caosuviet)