Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Khả năng hấp thu năng lượng cơ học của vật liệu PU

Sự hấp thu năng lượng và tích trữ nhiệt xảy ra trong tất cả vật liệu đàn hồi ở một số mức độ nhất định, và do đa số vật liệu đàn hồi dẫn nhiệt kém nên nhiệt độ có thể tăng rõ rệt. Yếu tố này có thể dẫn đến giới hạn sử dụng chúng cho các ứng dụng động học tuần hoàn nhanh. Sự hấp thu năng lượng thường được xác định bằng phương pháp đo tính tưng nảy, sự trễ năng lượng hoặc tính giảm xóc.
Khi ứng suất tác động vào vật liệu đàn hồi, có một thời gian trễ nhỏ trước khi vật liệu biến dạng tương ứng. Thời gian trễ này là cần thiết để năng lượng của tác động vượt qua lực hút liên phân tử. Kết quả là trong các ứng dụng biến dạng tuần hoàn, đường cong ứng suất – biến dạng khi phục hồi không giống như đường cong khi ứng suất tác động, có sự mất năng lượng và nó được chuyển thành nhiệt. Khi nhiệt độ tăng, năng lượng rung động của nguyên tử tăng, do đó thời gian trễ giảm và tính tưng nảy của vật liệu đàn hồi tăng.
Vật liệu đàn hồi urethane thông thường có tính hấp thu năng lượng cao hơn cao su và nhựa. Tuy nhiên, polyurethane có mô-đun đàn hồi cao nên bề dày của các sản phẩm PU có thể mỏng hơn. Điều này giúp hỗ trợ phân tán nhiệt và hạn chế sự tích trữ nhiệt. Trong các ứng dụng động học, nhiệt độ làm việc tối đa cho polyurethane là 80oC.
Tham khảo từ tài liệu Polyurethane Elastomers, C. Hepburn, Elsevier Science Publisher, 1992, trang 372 – 373
(vtp-vlab-caosuviet)