Một trong những tính
chất nổi bật của PU là tính kháng mài mòn. Nhìn chung, tính kháng mài mòn của PU
cao hơn vật liệu đàn hồi truyền thống cùng độ cứng. Tuy nhiên, tính kháng mài
mòn của PU bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự tích nhiệt ở bề mặt, hiện tượng này liên
quan đến hệ số ma sát của PU, tốc độ di chuyển tương đối giữa hai bề mặt ma sát,
tải tác động và đặc biệt là bề mặt mài mòn khô hay ướt.
Tính kháng mài mòn của
vật liệu đàn hồi PU là tốt, nhưng không quá nổi bật khi so sánh với các loại
cao su và chất dẻo khác dưới điều kiện mài mòn khô. Điều này chủ yếu là do sự
trễ đàn hồi của PU cao, dẫn đến tác động tích trữ nhiệt bề mặt nhanh trong một khoảng
thời gian ngắn, làm mềm đáng kể PU và một phần vật liệu PU bị xé khỏi bề mặt
mài mòn. Trong một số trường hợp khắc nghiệt, toàn bộ bề mặt của PU nóng chảy
trong một khoảng thời gian, các mảnh vật liệu nhỏ bị xé ra, cuộn tròn thành các
hạt nhỏ dính vào bề mặt của vật liệu đàn hồi PU, tạo nên đặc trưng bề mặt mài
mòn rất dễ nhận diện.
Trong trường hợp mài
mòn ướt, tính kháng mài mòn của vật liệu PU được cải thiện đáng kể. Trong trường
hợp này, nước hoặc lưu chất khác bôi trơn bề mặt và giảm hệ số ma sát. Hơn nữa,
nhiệt sinh ra được phân tán dễ dàng hơn. Vì vậy, polyurethane có tính kháng mài
mòn ướt vượt trội do tính kháng mài mòn tốt vốn có của nó không bị giảm đi bởi
tác động bất lợi của sự tích trữ nhiệt.
Tham khảo từ tài liệu
Polyurethane Elastomers, C.
Hepburn, Elsevier Science
Publisher, 1992, trang 373 – 375
(vtp-vlab-caosuviet)