Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Tính chất hóa lý và ứng dụng của cao su butyl (IIR)

Cao su butyl có thành phần chủ yếu là isobutylene và một phần nhỏ butadiene hoặc isoprene thêm vào. Cao su butyl thương mại chứa khoảng 5% thành phần copolymer butadiene.
Tính chất vật lý nổi bật của cao su butyl là tính không thấm khí. Nó không cho các khí (như hydrogen hoặc không khí) khuếch tán qua nhanh như các loại cao su khác, tính thấm khí xấp xỉ một phần năm tính thấm khí của cao su thiên nhiên. Tính chất này làm cho cao su butyl được dùng trong sản xuất áo phao (loại bơm phồng), thuyền phao, bong bóng, màng và ruột cho lốp xe.
Ở nhiệt độ phòng, tính tưng nảy của cao su butyl kém. Kết quả là cao su butyl hấp thu một lượng lớn năng lượng cơ học tác động vào nó. Sự hấp thu năng lượng này tạo nên tính giảm rung động của cao su butyl. Do đó, cao su butyl là một sự lựa chọn tốt cho những ứng dụng yêu cầu giảm rung động cao, như bộ phận giảm xóc trong ô tô.
Các tính chất khác như tính kháng mài mòn, kháng xé, độ bền kéo, độ kết dính với vải sợi và kim loại của cao su butyl là tốt. Cao su butyl có nhiệt độ hoạt động liên tục tối đa là 120-150°C với tính kháng lão hóa nhiệt tốt. Tính cách điện nhìn chung tốt nhưng không quá nổi bật, tính kháng cháy của cao su butyl kém.
Đối với tác động của môi trường, cao su butyl có tính kháng rất tốt với ánh sáng mặt trời, thời tiết và ozon. Nó có tính kháng tốt với axit vô cơ loãng, kiềm, dầu phosphate ester, acetone, ethylene, ethylene glycol, nước, axit đậm đặc, ngoại trừ nitric và sulfuric; không kháng được các sản phẩm dầu mỏ.
Trên thị trường, có hai loại cao su butyl halogen hóa là bromobutyl (BIIR) và chlorobutyl (CIIR). Tính chất và ứng dụng của chúng tương tự IIR nhưng nhiệt độ hoạt động cho phép cao hơn một ít. Hai loại cao su này cho phép đồng lưu hóa với những vật liệu đàn hồi khác dễ dàng hơn IIR.
Tham khảo từ tài liệu Mechanical and Corrosion-Resistant Properties of Plastics and Elastomers, Philip A. Schweitzer, CRC Press, 2000, trang 295 - 299
(vtp-vlab-caosuviet)