Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Giới thiệu về cao su EPM và EPDM

Dù cao su EPM và EPDM đã xuất hiện hơn 30 năm, công nghệ sản xuất và ứng dụng chúng vẫn đang phát triển. Quy trình sản xuất được sử dụng rộng rãi nhất là polymer hóa dung dịch, ngoài ra còn có quá trình polymer hóa ở dạng huyền phù và ở dạng khí. Trong đó, EPM gồm 60% mol ethylene và 40% mol propylene. Polymer EPDM chứa thêm 1.5% diene không liên hợp như ethylidene norbornene hoặc dicyclopentadiene, các comonomer này được phân bố dọc theo chuỗi phân tử. EPM không chứa bất kỳ nối đôi nào nên có tính kháng lão hóa do nhiệt, ánh sáng, oxy và đặc biệt là ozone. EPDM có một ít các nối đôi chưa bão hòa, chỉ kém ổn định lão hóa một chút so với EPM.
Copolymer ethylene-propylene (EPM) được lưu hóa với peroxide. Trong khi đó, EPDM có một số ít các nối đôi chưa bão hòa nên có thể kết mạng bằng lưu huỳnh, nhựa. Nhìn chung, tính đàn hồi của EPM và EPDM tốt hơn nhiều cao su tổng hợp khác nhưng không bằng NR hoặc SBR. Tuy nhiên, tính kháng nhiệt và lão hóa của EPM và EPDM tốt hơn nhiều so với SBR và NR. EPM và EPDM có tính kháng rất tốt với các dung môi vô cơ, phân cực cao như axit loãng, kiềm và rượu nhưng dễ trương nở trong hydrocarbon no, thơm hoặc clo hóa. Cách điện là một tính chất nổi bật khác của EPM và EPDM.
Do tính kháng nhiệt, kháng lão hóa tốt, EPDM được dùng chủ yếu trong trong ô tô (ống và đệm làm kín), công trình xây dựng (tấm, màng lợp mái), phối trộn với các loại cao su khác, phụ gia trong các dầu bôi trơn.
Tham khảo từ tài liệu Rubber compounding: Chemistry and Applications, Brendan Rodgers, CRC Press, 2004
(vtp-vlab-caosuviet)