Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Sử dụng chất chống ozone hóa cho cao su

Từ khi sử dụng cao su lưu hóa, mọi người đã chú ý rằng cao su phân hủy nhanh khi tiếp xúc với các yếu tố, như oxygen, ozone, nhiệt, ánh sáng cực tím (UV). Tác động của ozone lên cao su diene lưu hóa rõ ràng nhất khi cao su chịu ứng suất hoặc kéo giãn do một chuỗi các vết nứt xuất hiện, vuông góc với ứng suất tác dụng và phát triển rộng, sâu hơn tới khi cao su hỏng.
Ozone được hình thành tự nhiên trong khí quyển trái đất bởi tác động của ánh sáng cực tím mặt trời lên oxygen trong khí quyển. Nồng độ ozone trong khí quyển phụ thuộc vào mùa và vị trí địa lý, từ 6 phần trăm triệu tới 25 phần trăm triệu. Cơ chế phân hủy cao su bằng ozone được đề nghị như sau. Ozone phản ứng với các liên kết đôi trên bề mặt polymer không bão hòa để hình thành cấu trúc trioxolane. Cấu trúc này phân hủy để tạo thành hợp chất carbonyl và zwitterion, làm cho chuỗi phân tử bị cắt đứt.
Do đó, việc sử dụng các chất bảo vệ sản phẩm cao su là cần thiết. Nhiều lý thuyết đã được đề nghị để giải thích cơ chế của các chất chống ozone hóa. Đa số ủng hộ mô hình mà trong đó chất chống ozone hóa có khả năng phản ứng cao với ozone so với liên kết đôi trong vật liệu đàn hồi (gấp 200 lần) và chất chống ozone hóa phải có khả năng di trú nhanh từ hỗn hợp cao su ra bề mặt khi chất chống ozone ở bề mặt bị ozone hóa, không để ozone phản ứng với cao su trước. Ngoài ra, chất chống ozone hóa phải có độ bay hơi thấp để tránh bay hơi khỏi cao su mà không phản ứng với ozone ở bề mặt.
Tham khảo từ tài liệu Handbook of Specialty Elastomers, Robert C. Klingender, CRC Press, 2008, trang 430 - 431
(vtp-vlab-caosuviet)