Thông thường, quá trình xử lý kết dính (tẩm hệ chất kết dính vào sợi) xảy ra đồng thời với quá trình xử lý nhiệt – kéo căng sợi. Các hệ kết dính được lựa chọn phụ thuộc chủ yếu vào loại xơ sợi sử dụng, trong một số trường hợp đặc biệt phụ thuộc cả vào vật liệu đàn hồi để đạt được sự kết dính tối ưu. Tuy nhiên đối với các sợi dệt được làm từ cotton hoặc có thành phần chính là cotton không yêu cầu quá trình xử lý kết dính, sự kết dính với vật liệu đàn hồi là kết dính cơ học.
Sự kết dính cơ học giữa sợi cotton và vật liệu đàn hồi cơ bản là do sự giữ chặt các đầu xơ vào mạng lưới vật liệu đàn hồi. Muốn tách sự kết dính này, ta phải cung cấp một lực kéo các đầu xơ này khỏi vật liệu đàn hồi. Lực kéo này phụ thuộc vào sự ma sát giữa các xơ và vật liệu đàn hồi, và độ bền của các xơ. Nghiên cứu cho thấy số lượng các đầu xơ nhô ra càng nhiều thì độ bền kết dính đạt được giữa cao su và sợi cotton càng cao. Ngoài ra, tuy xâm nhập tốt vào cấu trúc của vải nhưng cao su nói chung xâm thập rất ít vào khoảng hở giữa các tơ của sợi cotton, chính điều này mới làm tăng độ bền kết dính cuối cùng. Trong trường hợp sử dụng sol chất dẻo (plastisol) PVC (nhựa PVC phân tán trong chất hóa dẻo), sự xâm nhập vào cấu trúc sợi cotton được cải thiện đáng kể do hiện tượng mao dẫn xảy ra trong cấu trúc sợi (thấm bấc).
Đối với các sợi tổng hợp, sự kết dính cơ học cũng xảy ra nhưng độ bền liên kết thấp hơn rất nhiều do bề mặt tơ tổng hợp nhẵn, mặt cắt ngang tơ đồng đều làm giảm ma sát giữa tơ và cao su. Sự kết dính cơ học có thể được cải thiện bằng cách tạo cấu trúc xốp cho sợi tổng hợp, làm các đầu xơ mắc vào cấu trúc mạng của vật liệu đàn hồi nhiều hơn. Nhưng thực tế, thường tẩm hệ chất kết dính vào cấu trúc sợi tổng hợp để tăng độ bền kết dính.
Tham khảo từ tài liệu The Application of Textiles in Rubber, David B. Wootton, iSmithers Rapra Publishing, 2001, trang 94 - 95
(vtp-vlab-caosuviet)