Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Xếp hàng và không xếp hàng


Những vấn đề được quan tâm, trải dài trong cuộc sống đời người, xã hội thường thêm cụm từ "văn hoá" như hàm ý một điều gì.

Xếp hàng là hành xử vụn vặt, tự nhiên là thế mà vẫn không hoàn thiện, không thích nghi, không chịu biến đổi theo dòng cuộc sống sinh động. KHÔNG XẾP HÀNG đã trở thành mối bận tâm.
Lo sợ điều nhỏ nhặt sẽ bị lãng quên, xã hội đã thêm vào đó một chữ nghiêm túc: "văn hoá". Văn hoá xếp hàng.

Trên các công cụ tìm kiếm ở xã hội hiện đại, cụm từ "văn hoá xếp hàng" được xuất hiện chính thống, và hình như chữ "xếp hàng" ít xuất hiện. "Xếp hàng" không còn là chữ GỐC của vấn đề đang được quan tâm.

Hành vi xếp hàng là thái độ tự nhiên thể hiện công bằng, hành xử bình thường để đạt được hiệu quả nhất..., mà không được công nhận. Từ khi "xếp hàng" được hàm chứa nội dung "văn hóa" và trở nên lớn lao mang tính trừu tượng, hàm chứa hy vọng hơn là thực tiển. Tuy nhiên, khi mong mỏi "xếp hàng" trở thành văn hóa, lại không gieo trồng hay vun xới từng ngày - vì thế VĂN HOÁ XẾP HÀNG mãi là những con chữ sang trọng còn mãi với thời gian.

Đi từ đông sang tây, từ nam chí bắc nghiệm thấy các dân tộc khác không quan tâm mấy đến việc xếp hàng hay không. Bởi, không xếp hàng, chen lấn là một thứ gì đó không thể hiểu được. Không xếp hàng - như là thứ không thuộc về thế giới của sự bình thường.

Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã có nhiều bài viết so sánh về nguồn gốc và sự phát triển của Việt nam và các dân tộc khác. Hình như họ cố đi tìm những bằng chứng để giải thích tại sao "chúng ta không xếp hàng".
Càng ray rức về chuyện KHÔNG XẾP HÀNG, thì hình ảnh đó - càng bị nhập sâu hơn vào tâm thức, vì có quá nhiều lý do được tìm thấy.



*
Nếu cuộc sống luôn có hai mặt, thì mặt này là những người xếp hàng "để mua", còn mặt kia là những "người bán". Xã hội không để ý đến người bán, mà người bán lại là người quyết định ý nghĩa tối thượng của văn hóa xếp hàng. 
Nếu họ "bán nhanh" với một tổ chức khoa học và tận tụy nhân bản, thì dòng người xếp hàng sẽ ngắn lại. 
Nếu "người bán" đã không vô cảm trước dòng người nhẫn nại, thì rồi hình ảnh "văn hóa" sẽ không tồn tại. Cái mà mọi người ca tụng hôm nay, sẽ chỉ còn trong trí nhớ như một vết son vụng trộm khó hiểu.

Suy nghĩ vẫn vơ như vậy và luôn tự hỏi, cái đích thực tạo nên giá trị đang ở đâu.
Giá trị đích thực là luôn làm cho cái hàng càng dài ra, hay tìm cách làm cho nó ngắn đi và biến mất...

*
Xếp hàng, thường có ý nghĩ là cần phải có từ 2 "người" trở lên. Đôi khi, ở đâu đó, một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy hình ảnh một người - Họ cũng xếp hàng. 
Dù là một mình mình, nhưng khi đến trước quầy, họ cũng có thái độ nhã nhặn, an nhiên. Họ thanh thản chờ đợi người thu ngân hay "người bán hàng sẵn sàng".
Người biết chờ đợi, người biết xếp hàng dù chỉ có một mình mình chắc là họ sẽ thấy an lành, biết tạo nên cuộc chơi, làm chủ một lối chơi có tốc độ vừa sức với mình.

Nhiều người luôn luôn nôn nóng, luôn luôn bận rộn. Luôn lo lắng, hồi hộp như chỉ còn một vé tàu cuối cùng của cuộc sống. Nhưng đã bao nhiêu vé tàu cuối đã cầm trên tay, mà tàu thì vẫn còn đó, người vẫn còn đây.

*
Xếp hàng, không chỉ là hành vi đi đứng, đợi chờ. Xếp hàng còn là một chữ khái quát về mọi thứ trong lúc đang sống.
Ngăn nắp, trật tự, luôn biết việc ưu tiên và không ưu tiên, luôn mưu cầu sự tối giản, luôn cảm nhận có sự tương đối hiện diện khắp thế gian ...thì đó cũng là hình ảnh khác của xếp hàng.
Nếu mà biết rõ thứ gì ở đâu thì ở đó, nhận ra được thế giới muôn màu, lành dữ... thì đó cũng là một sự phân định công bằng trong tâm thức.

*
Đơn giản luôn dễ chịu.
Trật tự luôn dễ chịu.
Phân minh luôn là lẽ đúng.
Ít sử dụng năng lượng- thường là bình an.


Không quá tự hào về việc xếp hàng.
Nên nghĩ về phía kia của việc không xếp hàng.

Vậy, cứ xếp hàng khi cần xếp hàng - như tự nhiên nó là vậy.

nguyentuonglinh
5/5/2012