Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Cải thiện sự an toàn của vật liệu cao su tiếp xúc với thực phẩm (phần 1)

Các chất nitrosamine bị nghi ngờ là chất gây ung thư cho con người. Vì vậy, khi sử dụng vật liệu cao su tiếp xúc với thực phẩm cần hạn chế mức nitrosamine trong sản phẩm cao su thấp nhất có thể.
Các chất nitrosamine được hình thành do phản ứng của các chất nitro hóa (các nitrogen oxide trong khí quyển) với các amine bậc hai trong cao su. Nguồn tạo nhiều amine bậc hai nhất là các chất xúc tiến trong các hệ kết mạng lưu huỳnh do các amine chính là sản phẩm phân hủy của chất xúc tiến, chủ yếu trong quá trình lưu hóa. Các chất xúc tiến thường dùng tạo ra các amine bậc hai là TMTD, TMTM, ZDMC, TETD,  ZDEC, MBS.
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu ảnh hưởng của quy trình cán luyện cao su, nhiệt độ lưu hóa, quy trình chiết tách đến quá trình hình thành nitrosamine. Kết quả nghiên cứu cho thấy có một sự khác biệt lớn của mức nitrosamine trong các hỗn hợp cao su cơ bản giống nhau. Một số phương pháp hiệu quả được đề nghị để giảm lượng nitrosamine tạo thành trong sản phẩm cao su. Đầu tiên là phối trộn lại cao su để thay thế toàn bộ hoặc một phần các chất xúc tiến tạo các amine bậc hai bằng các chất xúc tiến không tạo ra amine, ví dụ như CBS, MBT, MBTS và các dithiophosphate. Chất độn than đen nên được thay thế bằng các chất độn gia cường white (như silica) vì than đen cũng được cho là hỗ trợ quá trình tạo nitrosamie. Ngoài ra, hệ kết mạng peroxide nên được sử dụng thay cho hệ kết mạng lưu huỳnh. Khi sử dụng những phương pháp trên phải đảm bảo tính gia công và tính chất cơ lý của cao su được duy trì tốt. Cuối cùng, nếu không thể giảm được mức nitrosamine hình thành thì phải giảm nguy cơ di trú của chúng bằng cách dùng các chất xúc tiến tạo ra các amine bậc hai có khối lượng phân tử cao như TBzTD.
Tham khảo từ tài liệu Food Contact Materials – Rubbers, Silicones, Coatings and Inks, Martin Forrest, iSmithers Rapra Publishing, 2009, trang 114 - 116
(vtp-vlab-caosuviet)