Đối
với hầu hết vật liệu đàn hồi thương mại, tính kháng thủy phân của chúng rất tốt
do cấu trúc hóa học của chúng dựa trên các nguyên tử carbon-carbon liên kết với
nhau. Tuy nhiên với vật liệu đàn hồi polyurethane, sự xuất hiện của các nhóm
-COC- và -COOC- trong mạch chính làm cho vật liệu này bị thủy phân ở một số mức
độ nhất định không thể tránh khỏi theo thời gian. Một hiện tượng mà nhờ đó sự
thủy phân có thể phát hiện được là sự phát triển của vết nứt, thường là các vết
nứt sâu ngẫu nhiên, trên bề mặt của vật liệu đàn hồi PU do khối lượng phân tử giảm
tới một giá trị tới hạn mà thấp hơn nó sự hình thành vết nứt xảy ra. Vì vậy, sự
thủy phân thường được xem là một trong những giới hạn của vật liệu PU.
Ba
loại polyol mạch thẳng chủ yếu được sử dụng trong tổng hợp vật liệu đàn hồi PU là
polyether, polycaprolactone và polyester. Tính kháng thủy phân của vật liệu đàn
hồi PU có thể được sắp xếp theo trật tự giảm dần như sau polyether >
polycaprolactone > polyester. Một số biện pháp đã được sử dụng để cải thiện
tính kháng thủy phân của vật liệu PU. Polyurethane loại polycaprolactone kết mạng
amine, được ổn định với carbodiimide, có tính kháng tương tự với loại
polyether. Carbodiimide rất hiệu quả trong việc giúp urethane loại polyester chống
lại sự thủy phân; chúng không hiệu quả khi được sử dụng với vật liệu đàn hồi PU
loại polyether. Nhìn chung, chuỗi hydrocarbon của phần glycol của polyglycol
adipate càng dài, polyester kháng với sự thủy phân càng tốt.
Tham khảo từ tài liệu
Polyurethane Elastomers, C.
Hepburn, Elsevier Science
Publisher, 1992, trang 380 – 382
(vtp-vlab-caosuviet)