Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Cải thiện sự an toàn của vật liệu cao su tiếp xúc với thực phẩm (phần 2)

Xem phần 1 tại đây
Ngoài nitrosamine, trong sản phẩm cao su còn xuất hiện các loại amine. Mặc dù không độc như nitrosamine, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là amine thơm. So với nitrosamine, chúng cũng bắt nguồn từ chất xúc tiến, ngoài ra còn từ chất kết mạng, chất chống lão hóa loại amine. Giải pháp giảm nồng độ amine hiệu quả là dùng các phụ gia không tạo amine. Ví dụ, chất xúc tiến xanthate phân hủy trong quá trình kết mạng chỉ tạo ra isopropanol và các sản phẩm chứa lưu huỳnh.
Trong thời gian gần đây polyaromatic hydrocarbon cũng được cho là nguy hiểm, có khả năng gây ung thư. Trong đó, dầu gia công aromatic và chất độn than đen được xem là chứa nhiều hóa chất này. Điều này thúc đẩy các nhà sản xuất dầu gia công hydrocarbon thay đổi phương pháp sản xuất sao cho dầu gia công aromatic có hàm lượng polyaromatic hydrocarbon ít hơn đáng kể. Ngoài ra, than đen cũng được thay thế bằng các chất độn gia cường khác để đảm bảo hàm lượng polyaromatic hydrocarbon thấp.
Một khuynh hướng khác trong sản xuất các sản phẩm cao su tiếp xúc thực phẩm là sử dụng các công thức cao su đơn giản, ít phụ gia để hạn chế tối thiểu các chất trong sản phẩm cao su di trú vào thực phẩm. Các loại cao su truyền thống (nitrile, EPDM) được thay thế bằng các loại cao su cao cấp hơn, có tính kháng nhiệt và tính kháng hóa chất nổi bật, để không yêu cầu sử dụng thêm phụ gia cải thiện tính chất của cao su. Ví dụ, ống cao su butyl được dùng để vận chuyển rượu. Ngoài ra, các loại cao su nhiệt dẻo cũng được sử dụng phổ biến trong các ứng dụng tiếp xúc thực phẩm. Những loại cao su này có ưu điểm là không sử dụng hệ kết mạng so với cao su diene truyền thống.
Tham khảo từ tài liệu Food Contact Materials – Rubbers, Silicones, Coatings and Inks, Martin Forrest, iSmithers Rapra Publishing, 2009, trang 116 - 117
(vtp-vlab-caosuviet)