Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Giảm sự biến dạng dư của sản phẩm cao su (phần 1)

Trong một số ứng dụng thực tế, các sản phẩm cao su được yêu cầu giữ nguyên hình dạng, kích thước ban đầu sau khi chịu nén hoặc kéo. Tuy nhiên, các sản phẩm cao su thường biến dạng dư sau khi chịu ngoại lực tác dụng. Những hướng dẫn chung sau đây sẽ giúp giảm sự biến dạng dư của sản phẩm cao su.
Đầu tiên, sử dụng cao su nền có khối lượng phân tử trung bình cao để giảm biến dạng dư sau nén, như chọn loại cao su nitrile có độ nhớt Mooney cao. Đối với cao su neoprene, loại W tạo nên tính biến dạng dư sau nén ít hơn loại G. Các hệ kết mạng thioureas, Vanax PML®, Vulcacit CRV® tạo nên biến dạng dư thấp khi dùng cho cao su CR. Đối với cao su EPDM, tránh chọn loại EPDM có khả năng kết tinh cao. Ngoài ra đối với cao su NBR, nên chọn loại NBR nhũ tương có nhiều chuỗi nhánh, có hàm lượng ACN thấp.
Đối với polyurethane đổ khuôn, sự biến dạng dư sau nén có thể được điều chỉnh bằng cách thay đổi tỷ lệ chất kết mạng/prepolymer. Lượng chất kết mạng cần để phản ứng với tất cả nhóm isocyanate trên prepolymer được xem như 100% lý thuyết. Khi lượng chất kết mạng được dùng ít hơn một ít, 95% lý thuyết, có thể giảm sự biến dạng dư sau nén. Ngoài ra, nên dùng polyurethane từ prepolymer TDI với chất kết mạng amine sẽ cải thiện tính kháng biến dạng dư sau nén so với polyurethane loại MDI được kết mạng diol. Một điều quan trọng khác là phải tuân thủ nghiêm ngặt những đề nghị từ nhà sản xuất liên quan đến thời gian và nhiệt độ cho quá trình kết mạng và post-cure, không được bỏ qua quá trình post-cure.
Tham khảo từ tài liệu How to Improve Rubber Compounds: 1500 Experimental Ideas for Problem Solving, John S. Dick, Hanser Publications, 2004, trang 58 – 62
(vtp-vlab-caosuviet)