Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Lịch sử phát triển cao su tổng hợp (phần 4)

Xem phần 1, 2, 3 tại đây
Chiến Tranh Thế Giới II (1939 – 1945) có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cao su tổng hợp. Rõ ràng nhất là sự phát triển của cao su styrene-butadiene (SBR) ở Đức và Mỹ để thay thế cho sự thiếu hụt cao su thiên nhiên. Nghiên cứu ban đầu về cao su SBR được thực hiện ở Đức trong những năm đầu 1930. Mặc dù sau đó, loại cao su này được giới thiệu ở Mỹ nhưng đến cuối những năm 1930, người Mỹ quan tâm cao su NBR kháng dầu hơn là cao su SBR thay thế cho cao su thiên nhiên. Thực vậy, cao su styrene-butadiene ở Mỹ có khuynh hướng được nhập khẩu từ Đức. Khi Chiến Tranh Thế Giới II nổ ra vào tháng 9/1939, sự nhập khẩu cao su tổng hợp từ Đức ngưng lại. Từ kinh nghiệm sử dụng cao su SBR,  SBR trở thành loại cao su triển vọng nhất để thay thế cao su thiên nhiên trong sản xuất lốp xe, ruột xe - các sản phẩm quan trọng trong Chiến Tranh Thế Giới II. Ngoài ra, tính năng của cao su SBR cũng được cải thiện như không yêu cầu gia nhiệt trong không khí để làm mềm, mà chỉ cần thêm vào các chất biến tính mercaptan trong quá trình polymer hóa.
Một loại cao su tổng hợp quan trọng khác được phát triển trong Chiến Tranh Thế Giới II là cao su butyl, copolymer của isobutene với một lượng nhỏ của isoprene. Cao su butyl được công bố lần đầu tiên vào năm 1940. Nó có những tính chất đặc trưng như tính thấm khí thấp, tính kháng tốt với quá trình lão hóa, nên được sử dụng làm ruột xe, ống, đệm làm kín.
Tham khảo từ tài liệu Synthetic Rubbers: Their Chemistry and Technology, D. C. Blackley, Applied Science Publishers, 1983, trang 22 – 25
(vtp-vlab-caosuviet)