Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Vấn đề an toàn khi sử dụng máy cán

Máy cán được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp cao su. Khi vận hành, sửa chữa và bảo trì, tai nạn thường diễn ra nhất là bị cuốn vào trục cán đang quay. Vấn đề an toàn máy cán liên quan đến nhiều yếu tố như chiều cao máy cán, người vận hành, thiết bị phụ trợ, cách máy cán hoạt động, tính dính của nguyên liệu, thiết bị an toàn.
Chiều cao máy cán nên khác biệt và phù hợp với chiều cao người vận hành máy cán. Tuy nhiên trong thực tế, người vận hành có chiều cao khác nhau thường phải vận hành các máy cán giống nhau. Đối với các máy cán có chiều cao thấp trong khi người vận hành cao, người vận hành có khuynh hướng làm việc quá gần với khe cán. Điều này tạo ra sự nguy hiểm cao hơn vì chỉ có một khoảng thời gian phản ứng rất ngắn để bộ phận an toàn dừng máy cán. Vì vậy, cần điều chỉnh lại thiết bị an toàn tự động cho từng người vận hành.
Nguyên liệu cao su quá dính cũng tăng mối nguy khi vận hành. Nếu cao su dính vào trục máy cán, người vận hành phải dùng dao cắt và kéo nó khỏi trục. Ngoài ra, khi cán luyện một số loại cao su, nhiệt độ tăng cao, người vận hành phải đeo găng tay để thao tác. Trong các trường hợp trên phải đặc biệt cẩn thận vì nguyên liệu có thể cuốn lấy dao, găng tay hoặc tay và kéo vào khe cán của máy cán.
Để tránh các tai nạn liên quan đến máy cán, ngoài việc thao tác sử dụng máy cán đúng cách, vận hành cẩn thận, sử dụng các thiết bị an toàn được xem là phương pháp hiệu quả để tránh các tai nạn. Trong đó, hiệu quả nhất là thanh chắn an toàn tự động không yêu cầu tác động của người vận hành để kích hoạt nó. Khoảng cách dừng phải phù hợp với người vận hành và được kiểm tra hàng tuần, thiết bị hãm phải được kiểm tra lúc bắt đầu mỗi ca làm việc để đảm bảo thiết bị an toàn luôn hoạt động tốt.
Tham khảo từ tài liệu Health and Safety in the Rubber Industry, Naesinee Chaiear, Smithers Rapra Press, 2001, trang 11 – 13
(vtp-vlab-caosuviet)