Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Lịch sử phát triển cao su tổng hợp (phần 6)

Xem phần 1, 2, 3, 4, 5 tại đây
Sau Chiến Tranh Thế Giới II, những quy trình sản xuất cao su thiên nhiên tổng hợp đã được phát triển, một số dự báo cho rằng ngành công nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên sẽ biến mất trong 20 năm tiếp theo. Thực tế cho thấy dự báo này không chính xác. Điều này là do sự tăng nhanh của giá dầu thế giới và giá của tất cả sản phẩm từ dầu mỏ, làm tăng giá cao su tổng hợp. Ngoài ra, cây cao su tạo ra polyisoprene là quá trình tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường.
Tất cả các loại cao su tổng hợp (ngoại trừ cao su butyl và cao su polysulphide) đều được tạo thành từ monomer diene, những monomer đơn giản như ethylene và propylene được dùng khá nhiều. Điều này dẫn đến sự phát triển của copolymer ethylene-propylene được sử dụng như cao su tổng hợp thông thường. Đây là một bước ngoặc quan trọng khác trong lịch sử phát triển của cao su tổng hợp từ sau Chiến Tranh Thế Giới II. Giống cao su butyl, copolymer ethylene-propylene thể hiện tính kháng rất tốt với nhiệt, ánh sáng và ozon. Cần thêm một lượng nhỏ diene vào copolymer để có thể lưu hóa nó bằng các hệ lưu huỳnh/xúc tiến truyền thống.
Có 3 sự phát triển quan trọng khác cũng phải được đề cập đến. Sự phát triển đầu tiên liên quan đến vật liệu cao su nhiệt dẻo. Chúng là những vật liệu có tính giống cao su ở nhiệt độ phòng nhưng khi gia nhiệt sẽ chảy thành chất lỏng nhớt có thể đúc khuôn, tiêu biểu là block copolymer styrene-butadiene-styrene. Tiếp theo là sự phát triển của cao su ở dạng bột, hỗ trợ cho quá trình cán luyện cao su với các thành phần phối trộn khác. Sự phát triển thứ ba là cao su ở dạng lỏng. Chúng có độ nhớt cao, có khả năng đổ vào khuôn và lưu hóa để tạo thành vật liệu đàn hồi rắn, tiêu biểu là vật liệu urethane đổ khuôn.
Tham khảo từ tài liệu Synthetic Rubbers: Their Chemistry and Technology, D. C. Blackley, Applied Science Publishers, 1983, trang 29 – 30
(vtp-vlab-caosuviet)