Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Lịch sử phát triển đồn điền cao su (phần 1)


Có hai sự kiện xảy ra tình cờ nhưng có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của Clements Markham và sự phát triển của các đồn điền cao su. Đầu tiên là việc chuyển các cây “cinchona” tới Ấn Độ thông qua Vườn thực vật ở Kew với sự giúp đỡ của Robert Cross, từ vỏ cây có thể chiết tách ra quinin để chữa trị các bệnh truyền nhiễm. Năm 1865, Markham tới Ấn Độ và Ceylon (Sri Lanka) để kiểm tra các cây “cinchona”. Và tại đây, ông đã chú ý tới các cây cao su bị chết do khai thác quá mức, có quá nhiều vết rạch trên thân cây để lấy mủ cao su. Từ đó, ông là người đầu tiên nảy sinh ra ý tưởng thành lập các đồn điền cao su để khai thác cao su hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu cao su ngày càng cao của các nước công nghiệp.
Sau đó, Markham nhờ Robert Cross tới Amazon để thu thập các hạt cao su. Ông cũng bàn bạc với Giám đốc Vườn thực vật tại Kew và yêu cầu gửi một vài hạt cao su Hevea tới Kew. Song song với các việc này, tháng 4 năm 1875, Markhan cũng đã đạt được thỏa thuận với Wickham về việc thu thập và vận chuyển các hạt cây cao su về Kew, Anh với mức giá 10 bảng Anh trên 1000 hạt cao su mà Wickham thu nhặt được.
70 000 hạt cao su của Wickham đến Kew vào ngày 14/06/1876 và chúng được gieo trồng trong vườn ươm. Một vài tuần sau, 2397 hạt đã nảy mầm (ít hơn 10% so với tổng lượng hạt của Wickham). Sau đó 1919 cây con được gởi tới Ceylon (Sri Lanka), tới nơi chỉ còn khoảng 1700 cây con còn sống và được trồng ở vườn Heneratgoda ở Colombo, tuy nhiên đến năm 1880 chỉ còn khoảng 300 cây sống sót. Trong lúc đó, 50 cây con khác cũng được gửi tới Singapore, nhưng tất cả chúng đã chết trong quá trình vận chuyển. Tháng 9 năm 1876, 100 cây con khác lại được chuyển đến Sri Lanka. Vào tháng 11 năm 1876, Robert Cross trở về Kew và đem theo 1080 cây con. Sau đó, chúng được nuôi trồng nhưng chỉ có 24 cây sống sót.
Mùa hè năm 1877, Kew đã gửi tiếp 100 cây con khác tới Sri Lanka và 50 cây tới Ấn Độ. Tiếp theo đó, Sri Lanka chuyển 22 cây con sang Singapore, và chúng là nguồn gốc của hơn 75% cây cao su được trồng ở Malaysia. Vì không có tài liệu ghi nhận 100 cây con được chuyển tới Sri Lanka được nhân giống từ các cây con của Wickham hay các cây con của Cross nên ta không biết ai là người đóng góp trực tiếp đến sự phát triển của các đồn điền cao su ở Malaysia. Đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi cho tới ngày nay.
(còn tiếp)
Tham khảo từ sách Tears of the tree, John Loadman, Oxford University Press, 2005, trang  81 – 98
(vtp-vlab-caosuviet)