Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Thomas Hancock và phát minh máy cán trộn cao su (phần 1)


Charles Goodyear hiện nay được xem là người phát minh ra sự lưu hóa cao su, nhưng Thomas Hancock mới là người hiểu rõ, kiểm soát quá trình này với việc phát minh ra máy cán trộn cao su làm cải thiện chất lượng của cao su nguyên liệu, phân tán tốt lưu huỳnh và các hóa chất khác vào trong cao su.
Thomas Hancock được sinh vào năm 1786 tại Marlborough, Wiltshire, là người con thứ ba trong một gia đình có 12 con. Sau năm 1815, Thomas Hancock cùng em trai của mình thành lập một công ty đóng xe ngựa ở London. Ông bắt đầu quan tâm đến cao su khi muốn tạo các loại vải không thấm nước để dùng cho các chiếc xe ngựa của mình. Cho tới năm 1819, ông đã bắt đầu thí nghiệm hòa tan cao su trong dầu thông nhưng ông chưa thỏa mãn vì lớp màng phủ cao su mỏng và chất lượng thấp. Lúc bấy giờ, ông cũng nhận thấy được các tính chất không mong muốn của cao su, tính dính nhớt khi được nung nóng và giòn khi làm lạnh.
Trong các thí nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân hư hỏng của các vật liệu cao su đàn hồi, ông đã có một phát hiện quan trọng làm cơ sở cho việc tạo thành các máy cán trộn cao su. Ông cắt các mẫu cao su và co dãn chúng. Ông quan sát thấy vết xé rách xuất hiện rất nhanh ở vết cắt. Nhưng sau khi cắt nếu ngâm các mẫu cao su vào trong nước nóng trước khi thí nghiệm thì vật liệu cao su bền hơn, vì các vết cắt tự lành lại. Đây trở thành một nguyên tắc của ông trong sản xuất các vòng cao su.
Từ quan sát này, Thomas Hancock đã thiết kết các khuôn, dưới điều kiện gia nhiệt, chúng ép các mẫu cao su thừa thành một khối cao su. Từ đây, ông lại suy nghĩ thiết kết một máy nghiền mẫu cao su thành các mảnh nhỏ và sau đó hợp chúng lại thành một khối cao su đồng nhất. Và vào năm 1820, Thomas Hancock đã tạo ra máy nghiền đầu tiên bằng gỗ. Nó gồm một khối rỗng hình trụ có các đầu kim loại nhọn bên trong, ở giữa là một khối hình trụ được nối với tay cầm - được quay bằng tay. Vật liệu cao su sẽ đi qua cửa nhập liệu ở phần trên của máy vào phần giữa của hai khối trụ này và tạo thành một khối cao su đồng nhất. Loại máy này chỉ nạp liệu được 2 ounce cao su mỗi lần. Cùng với những cải tiến sau đó như máy được làm bằng sắt đúc, thiết kế bánh răng thay thế cho các đầu kim loại nhọn, công suất nạp liệu của máy nghiền tăng lên 200 pound vào năm 1840.
(còn tiếp)
Xem phần 2, 3 tại đây
Tham khảo từ sách Tears of the tree, John Loadman, Oxford University Press, 2005, trang  45 – 52
(vtp-vlab-caosuviet)