Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Thomas Hancock và phát minh máy cán trộn cao su (phần 2)


Xem phần 1 tại đây
Sau đó, vào các năm 1824 và 1825, Hancock bắt đầu thí nghiệm với những dung dịch cao su và lấy các bằng sáng chế về sản xuất da nhân tạo, dây thừng không thấm nước. Dung môi được sử dụng là hỗn hợp dầu coal – tar  được tinh cất và dầu thông. Hancock nhận thấy rằng cao su đã được nghiền trộn trước khi hòa tan vào hỗn hợp dầu coal – tar và dầu thông tạo thành dung dịch cao su tốt hơn dung dịch cao su mà Macintosh phát minh vào năm 1823, vì nó tạo lớp bao phủ dày hơn và dùng dung môi ít hơn. Đến năm 1830, hai người bắt đầu hợp tác để nghiên cứu xa hơn. Trong khoảng thời gian này, Hancock tự mở một nhà máy ở Lodon và Macintosh cũng thành lập công ty Chas. Macintosh ở Manchester, để sản xuất các loại quần áo không thấm nước. Năm 1834, nhà máy ở London bị cháy, Hancock quyết định đóng góp và trở thành thành viên danh dự của công ty Chas. Macintosh.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là câu chuyện câu chuyện về sự lưu hóa cao su xuất hiện ở Anh vào năm 1842. Stephen Moulton, người đại diện của Goodyear, đã mang vài mẫu cao su lưu hóa của Goodyear tới Anh với mục đích bán phát minh chưa đăng ký sáng chế này để kiếm một khoản tiền lớn. Moulton đã mang chúng tới công ty Chas. Macitosh, nhưng công ty không chú ý nhiều vì không biết thành phần hóa học và quy trình sản xuất cụ thể để tính toán lượng vốn cần thiết để đầu tư, bổ sung vào quy trình lúc bấy giờ. Sau đó, chúng được đưa tới cho Hancock, ông thừa nhận rằng ông đang thí nghiệm với lưu huỳnh trong nhiều năm nhưng chưa thành công và vật liệu mới này thúc đẩy ông nghiên cứu xa hơn. Từ mùa đông năm 1842 tới mùa hè năm 1843, Thomas Hancock đã thực hiện một loạt các thí nghiệm có hệ thống về việc gia nhiệt các mẫu cao su có chứa lưu huỳnh. Ngày 21/05/1844, Hancock đã đăng ký bằng sáng chế mới của mình. Trong sáng chế này, ông cung cấp những thông tin về các cách cho lưu huỳnh vào cao su như cán trộn lưu huỳnh, cao su và các bột vô cơ trong máy cán hoặc ngâm lưu huỳnh đã nghiền trộn vào lưu huỳnh nóng chảy; mối quan hệ giữa thời gian lưu hóa – nhiệt độ lưu hóa – bề dày sản phẩm để đạt sự lưu hóa tối đa; cũng như việc loại bỏ lưu huỳnh dư sau quá trình lưu hóa. William Brockedon, giám đốc của công ty Chas. Macintosh lúc bấy giờ, đã gọi tên quá trình này là “vulcanisation” và nó được dùng tới ngày nay.
Tuy nhiên, sáng chế của Hancock về quá trình lưu hóa vẫn chưa thật sự rõ ràng. Một số người cho rằng Hancock có thể đã phân tích các mẫu cao su lưu hóa của Goodyear và tìm hiểu cách mà Goodyear đã thực hiện. Ngược lại, một số nhà hóa học nhận xét việc phân tích các mẫu cao su lưu hóa của Goodyear không cung cấp đủ thông tin để Hancock sản xuất chúng và ông đã tự phát hiện ra điều này. Mặc dù sự thật là sao đi nữa, ta nhận thấy được Hancock tuy không phải là người đầu tiên phát minh ra quá trình lưu hóa cao su nhưng ông đã hiểu, kiểm soát quá trình lưu hóa tốt hơn Goodyear và kết hợp với việc phân tán đều lưu huỳnh vào cao su nhờ các máy cán trộn nên chất lượng sản phẩm đã cải thiện đáng kể.
(còn tiếp)
Xem phần 3 tại đây
Tham khảo từ sách Tears of the tree, John Loadman, Oxford University Press, 2005, trang  53 – 66
(vtp-vlab-caosuviet)