Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Các trạng thái của cao su trong quá trình cán trộn


Cán trộn là một quá trình quan trọng trong chế biến cao su, giúp làm đồng đều thành phần cao su và phân tán tốt các chất độn, chất phụ gia. Từ khi cao su tổng hợp xuất hiện lần đầu tiên, một trong các vấn đề cần phải giải quyết là cán trộn. Với sự xuất hiện của nhiều loại cao su, người ta nhận thấy, mỗi loại cao su có một trạng thái cán đặc trưng. Và theo kinh nghiệm cán trộn, người ta thấy rằng cao su trải qua những trạng thái nhất định trong suốt quá trình cán. Hiểu được điều này, ta có thể thay đổi điều kiện cán trộn để cao su đạt được trạng thái mong muốn.
Các trạng thái mà cao su phải trải qua trong quá trình cán như sau:
Trong vùng I, mẫu cao su còn cứng, nó sẽ trượt và không đi vào khe cán, nếu cao su bị đẩy vào trong khe cán, nó có thể sẽ gãy thành từng mảnh, rơi xuống dưới thay vì cuộn tròn quanh trục cán. Điều này làm cho thao tác người vận hành khó khăn, nặng nề vì phải nhặt từng mảnh này. Vì vậy, trong giai đoạn này người vận hành phải điều chỉnh khe cán đủ rộng để cho cao su đi qua mà không bị gãy hoặc gãy ít nhất, rồi làm hẹp khe cán từ từ khi cán đi cán lại cao su nhiều lần. Nhiệt độ của cao su được cán tăng dần, khi cao su đủ mềm, nó đi qua khe cán dễ dàng và hình thành một vòng cao su ôm chặt trục cán, đây là vùng II. Khi cao su ở trạng thái của vùng III, vòng cao su không còn ôm chặt trục cán như trước mà võng xuống và bị xé rách. Còn trong vùng IV, cao su càng mềm hơn, độ dính tăng lên, các vòng cao su ôm sát trục nhưng chúng không còn tính đàn hồi nữa. Trong bốn vùng trên, vùng II được ưa thích hơn do trạng thái của cao su trong vùng này giúp kết hợp và phân tán tốt các chất độn gia cường, phụ gia vào trong cao su. Người vận hành cố gắng tránh vùng III và cả vùng IV, tuy vùng IV không gây ra vấn đề gì trong kết hợp chất độn vào cao su nhưng do cao su quá mềm, ứng suất của máy cán truyền vào các khối chất độn không đủ cao để phá vỡ và phân tán tốt chúng.
Tham khảo từ tài liệu The Science and Practice of Rubber Mixing, Nobuyuki Nakajima, Smithers Rapra Press, 2000, trang 23 - 25
(vtp-vlab-caosuviet)