Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Polyurethane dạng bọt – Chất tạo bọt hóa học


Các thành phần nguyên liệu chính tạo thành polyurethane dạng bọt cũng tương tự như polyurethane đổ khuôn như polyol, diisocyanate, chất kéo dài mạch. Tuy nhiên, trong polyurethane tạo bọt có một thành phần quan trọng khác là chất tạo bọt. Hai loại chất tạo bọt được sử dụng là chất tạo bọt hóa học và chất tạo bọt vật lý. Bài viết này sẽ giới thiệu về các chất tạo bọt hóa học trong lĩnh vực bọt poyurethane.
Chất tạo bọt hóa học là những hóa chất phản ứng với các nhóm diisocyanate để tạo khí CO2. Sự hình thành bọt polyurethane rất phức tạp, bao gồm hai phản ứng xảy ra đồng thời: phản ứng tạo thành khí CO2 và phản ứng hình thành các liên kết ure. Các chất tạo bọt hóa học thông dụng là nước, các hợp chất hữu cơ có khả năng tạo enol và axit boric.
Nước được sử dụng làm chất tạo bọt từ lúc bắt đầu ngành bọt polyurethane và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Việc sử dụng nước có những hạn chế như việc dùng nhiều nước làm cho nhiệt tỏa ra từ phản ứng cao hơn gây ra sự nung nóng và cháy, khả năng chảy của hỗn hợp polyurethane giảm do độ nhớt tăng cao, hiệu suất khuấy trộn thấp và việc sử dụng nước làm mất đi một lượng lớn polyisocyanate đắt tiền. Những cải tiến trong quá trình phát triển hệ thống phản ứng đã giúp vượt qua những hạn chế trên.
Ngoài ra, các hợp chất có khả năng tạo enol cũng có khả năng tạo bọt. Các hợp chất tiêu biểu như nitroakane, aldoxime, nitrourea, acid amide, v.v…
Một chất tạo bọt khác là axit boric B–(OH)3. Những kết quả nghiên cứu cho thấy ở cùng một khối lượng riêng của bọt, các bọt được tạo thành từ axit boric có tính chất vật lý tương tự như các bọt được tạo thành nước.
Tóm tắt từ tài liệu Polyurethane and Related Foams , Kaneyoshi Ashida, CRC - Taylor & Francis, 2006, trang 24 - 27
(vtp-vlab-caosuviet)