Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Độ bền kéo, xé của polyurethane


Độ bền kéo của polyurethane phụ thuộc vào mức độ chống lại việc các mạch trượt lên nhau hoàn toàn hoặc đứt gãy mạch của các liên kết ngang như liên kết đồng hóa trị, liên kết hydro. Vì vậy, vật liệu có mật độ liên kết ngang càng nhiều thì càng cứng, có mô-đun đàn hồi càng cao và vật liệu khó bị kéo giãn hơn. Nếu một mẫu thí nghiệm đã kéo giãn được hồi phục lại, mẫu thử sẽ không trở lại được kích thước ban đầu, mà chỉ gần đạt được kích thước đó do có một mức độ biến dạng vĩnh viễn. Polyurethane rất nhạy với các vết khía hình chữ V, khi được sử dụng trong điều kiện co giãn liên tục, vết nứt sẽ phát triển và gây hư hỏng. Nhiệt độ có tác động làm giảm độ bền kéo và mô-đun đàn hồi của vật liệu polyurethane. Trong khi đó, độ giãn dài tăng khi nhiệt độ tăng do các liên kết ngang có khả năng di chuyển dễ dàng hơn.
Mô-đun của vật liệu polyurethane càng cao thì độ bền xé càng cao. Vì vậy, mật độ liên kết ngang nhiều cũng làm tăng độ bền xé. Nếu mẫu thử có vết cắt thì độ bền xé giảm đi rất nhiều, các mẫu mềm giảm khoảng 10 lần, trong khi các mẫu cứng giảm 5 lần. Do đó, ta thấy độ bền xé bị tác động rất lớn bởi các vết nứt trên bề mặt vật liệu nên ta phải gia công, vận chuyển sản phẩm một cách cẩn thận. Về thành phần hóa học, các vật liệu polyurethane loại polyester có độ bền xé lớn hơn polyurethane loại polyether. Độ bền xé của polyurethane cũng giảm nhanh khi nhiệt độ tăng.
Tham khảo từ tài liệu Castable Polyurethane Elastomer, Ian Clemitson, CRC Press, 2008, trang 125 - 126
(vtp-vlab-caosuviet)