Trong khi đó ở bán đảo Malaysia, 22 cây con Hevea đến từ Singapore vào năm 1877 đã đặt nền tảng cho sự phát triển của đồn điền cao su ở Malaysia sau này. Thật sự, chính quyền địa phương không quan tâm nhiều tới ý tưởng trồng các loại cây này do việc khai khoáng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Lúc đầu, Murton trồng 10 cây con ở Vườn thực vật học Singapore. Sau đó, ông trồng tiếp 10 cây con khác ở Phủ thống sứ, ở Kuala Kangsar; trong đó 9 cây con được trồng ở vườn Phủ thống sứ, còn cây còn lại được trồng ở Taiping. Một trong 9 cây con đó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
Ban đầu, những điều tra về cây Hevea và các cây trồng bản xứ tạo ra cao su của Murton và Cantly cho thấy các cây bản xứ có giá trị kinh tế cao hơn, những cây Hevea phải được trồng ít nhất là 5 năm mới bắt đầu thu hoạch được. Tuy nhiên đến năm 1888, Henry Ridley được bổ nhiệm làm giám đốc Vườn thực vật học Singapore, đã đề nghị chính phủ xem xét trồng loại cây Hevea ở quy mô lớn hơn. Cũng giống như tiến sĩ Trimen ở Sri Lanka, ông cũng nghiên cứu các phương pháp trồng trọt và thu latex cao su để tối ưu năng suất cao su thu được. Ông đã xuất bản ý tưởng của mình vào năm 1897, các người trồng cao su đã làm theo và năng suất thu latex đạt được rất cao, làm cho quá trình sản xuất cao su có thể mang lại lợi nhuận.
Một yếu tố khác thúc đẩy Malaysia trồng cao su là do hàng hóa nông nghiệp từ Brazil. Lúc đầu rất nhiều người trồng phát triển các đồn điền cà phê do giá cà phê ở Brazil lúc này rất cao. Nhưng đến giữa những năm 1890, các vấn đề ở Brazil đã được giải quyết, giá cà phê giảm xuống. Trong khi đó, dịch nấm mốc bắt đầu xuất hiện và tấn công các giống cây trồng ở Malaysia. Thị trường cà phê sụp đổ, rất nhiều người trồng bắt đầu chuyển sang phát triển các đồn điền cao su. Từ đó, đồn điền cao su ở Malaysia phát triển rất mạnh, diện tích trồng cao su tăng với tốc độ cực nhanh qua các năm: năm 1898 là 2 000 mẫu (arce), năm 1900 là 6000 mẫu; năm 1905 là 46 000 mẫu; năm 1910 là 540 000 mẫu; và năm 1920 là 2 180 000 mẫu.
(hết)
Tham khảo từ sách Tears of the tree, John Loadman, Oxford University Press, 2005, trang 99 – 102
(vtp-vlab-caosuviet)