Phần cao su dư là phần phải được loại bỏ đi trong công đoạn thành phẩm. Tuy nhiên trong quá trình đúc khuôn ép, nó có một số lợi ích nhất định. Ta sẽ xem xét đến vấn đề này.
Nhìn chung, các chi tiết cao su được đúc khuôn ép có phần cao su dư dày hơn so với các chi tiết được đúc khuôn tiêm (injection) hoặc chuyển (transfer). Điều này là do trong quá trình đúc khuôn ép, các mẫu cao su được cho vào một khuôn mở, không phải là khuôn kín như đúc khuôn tiêm hoặc chuyển. Bề dày phần cao su dư này phụ thuộc vào các yếu tố như độ nhớt của hợp chất cao su, độ phức tạp của lỗ khuôn, hình dạng mẫu cao su ban đầu, và áp lực đóng kín khuôn. Sau khi lấy sản phẩm khỏi khuôn, phần cao su dư được loại bỏ bằng kéo, khuôn cắt, hoặc đông lạnh và bẻ gãy vì lúc này nó rất giòn. Phần dư cao su này là cần thiết vì nó đảm bảo cao su điền đầy khuôn hoàn toàn và duy trì một áp lực cố định trong quá trình hình thành sản phẩm cao su. Tuy nhiên, nó không quá dày vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của sản phẩm.
Ngoài ra, trong quá trình lấy sản phẩm ra khỏi khuôn nếu gắn các sản phẩm với phần cao su dư, ta có thể lấy chúng ra dễ dàng dưới dạng tấm. Điều này đặc biệt có ích trong trường hợp khuôn có nhiều sản phẩm (nhiều lỗ khuôn), việc lấy từng sản phẩm riêng lẻ tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp sản phẩm có các hình dạng phức tạp như các mấu chắn ngang làm cho việc lấy riêng lẻ chúng ra khỏi khuôn là rất khó khăn, bằng cách gắn với phần cao su dư, ta có thể giải quyết vấn đề này.
Tóm tắt từ tài liệu Engineered Rubber Products - Introduction to Design, Manufacture and Testing, John G. Sommer, Hanser Publications, 2009, trang 37 - 39
(vtp-vlab-caosuviet)